Những giọng hát Nhạc Trịnh Công Sơn

Veröffentlicht auf von Phan Binh Son

Những giọng hát
Nhạc Trịnh Công Sơn

 

                                                                                              Phan Bình Sơn

 

Tựa đề:

Tác giả bài viết này trong một số các bài sẽ viết về Trịnh Công Sơn. Viết về những điều mới lạ, chủ yếu là về các thông điệp mà nhạc sỹ Trịnh Công sơn hình như muốn để lại cho chúng ta và muôn đời sau. Viết về cách cảm nhận đúng nhất, về trách nhiệm và tư cách một con người được vinh dự là người đồng thời với Trịnh Công Sơn. Các bài viết sẽ có tên: Thông điệp của  Trịnh Công Sơn- Nhạc sỹ thiên tài -Nền văn hoá Tư tưởng Phật giáo –Từ ngữ được hoá thân...

Nội dung chính của bài viết này là về giá trị nhân bản của cách thể hiện bài hát của Trịnh Công Sơn-Một cách gián tiếp tôn vinh tiếng Việt, đẩy tiếng Việt lên một bậc cao của trí tuệ và tâm hồn.

Bài viếz này là bài thứ nhất trong chủ đề: THÔNG ĐIỆP TRỊNH CÔNG SƠN

 

 

 

Trịnh Công Sơn được biết là một nhạc sỹ tài năng. Thực chất căn bản, ông là một nhà nhân văn lớn của nước Việt. Nếu không bằng con đường âm nhạc, có lẽ ông cũng phải có một cách nào khác để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Là nhà văn, nhà thơ, hay là nhà yêu nước, nhà chính trị, xã hội,...ở vai trò nào, con người ấy phải là một anh hùng, một vĩ nhân. Nhưng vì cuộc sống tiền định của ông đã gắn bó máu thịt với âm nhạc(*), nên bằng âm nhạc ông đã thực hiện sứ mạng lịch sử là nói lên khát khao hòa bình của dân tộc Việt Nam và hướng thiện cho con người không sợ hãi trước bạo lực để đi tìm và đạt cho được nền tự do trong hòa bình, nhân ái

Những bài ca của Trịnh Công Sơn mang đầy đủ và thấm đậm tư tưởng lớn của nhân loại: là ưu tư và khao khát hoà bình. Nếu muốn biết tại sao có ca sỹ hát rất hay, có nghĩa là lời ca đã đi rất sâu vào con tim và khối óc của người nghe, thì phải hoài công tìm hiểu cái nôi, nơi đã sinh ra con người bất hủ, người thư ký trung thành của lịch sử, người báo mộng cho tương lai.

 

Trải qua „Một ngàn năm nô lệ giặc tàu, một trăm năm đô hộ giặc tây“, dân tộc Việt chưa có một thời đại hòa bình. Đó là dấu ấn lớn nhất của thời đại chúng ta.

Người hát thành công nhất, có nghĩa là người đã mang được, và truyền tải đến người nghe tiếng nói lương tâm của con người Trịnh Công Sơn. Và không ngoài ai khác chính là Khánh Ly.

Ở đây, người viết không dừng ở chỗ đi tìm, đi bàn cãi và xem ai là người hát nhạc TCS hay nhất, như đương đại đang bàn, theo lối ai thích thế nào thì thích, mà chỉ là việc xác định giá trị tinh thần độc đáo có môt không hai của những bài ca không năm tháng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, và người đã hoá thân hoàn toàn vào đó, để mang lời ca đi suốt dọc theo chiều dài lịch sử.

 

_____

(*) Nhạc sỹ TCS đã từng kể: Đúng ra, tôi là vận động viên điền kinh, võ sỹ judo. Sau khi bị tai nạn do tập judo, tôi có cảm giác muốn dùng âm nhạc để nói lên một cái gì đó. Sau này, nhiều lần vì lý do ngoại cảnh bắt buộc tôi từ bỏ âm nhạc. Nhưng cứ nhắm mắt là những nốt nhạc hiện về không sao chịu nổi, nó thôi thúc tôi phải hát phải sáng tác.

 

Giọng hát của Khánh Ly đã gắn bó như hình với bóng với các ca khúc Trịnh Công Sơn , bởi ông đã tìm được người „tri kỷ“ của mình, để cùng đi hát rong trên các nẻo đường hư ảo của cuộc đời. Thứ nhất, giọng hát Khánh Ly là giọng hát thích hợp với các bài ca TCS,về cả chiều rộng và chiều sâu. Chỉ có vậy, Khánh Ly mới thể hiện được các bài ca của Trịnh Công Sơn, những bài ca mang một tâm hồn lớn, một thế giới bao la, một trời đầy xúc cảm mãnh liệtnhất, sâu lắng nhất, mang trong nó một cái gì còn to hơn cả một bài hát. Giọng hát khàn, giọng hát đặc biệt, mới có thể truyền tải được tâm hồn lớn của TCS, bởi nhạc của ông tràn khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời, vừa bi ai, vừa hùng tráng, nên phải có một giọng hát mang đầy đủ mọi âm hưởng từ tiếng cây lá rì rào đến tiếng kêu gào của hồng hoang sa mạc, từ yêu thương cho đến tuyệt vọng, từ căm hận cho đến bao dung...

 

 

Một nghệ sỹ mà như hồi ký cô đã kể là cô đã biết hát cùng với lúc biết nói. Cô lại cũng sinh ra trong thời loạn lạc, sinh ra mới có ba ngày  quấn trong chăn bông mà chạy loạn vì Nhật đảo chính. Cha cô lại dạy ngay từ bé các bài hát „Chiều vàng“, „Con thuyền không bến“... Cho nên con người của thời đại hát lên nỗi lòng của thời đại là chuyện tất nhiên, và cũng là lẽ bẩm sinh. Tiền nhân đã muốn các hậu sinh phải làm thế. Cũng có lẽ đó là ý của người xưa để lại.

Nhưng cái đặc biệt là nhạc TCS gặp KL cũng như tài tử gặp giai nhân, như cá gặp nước, như rồng gặp mưa. Cũng đồng thời với việc: không ai cùng thời có thể làm được cái việc duy nhất hiếm hoi, đó là hát lên tiếng kêu thiết tha và thảm thiết của con tim, một cách tuyệt diệu và xứng đáng nhất, để rông dài kể lể các nỗi đau tình cờ của cả một thế hệ, dài đằng đẵng như mấy trăm năm.

 

 

Người Việt Nam khao khát hòa bình, vì họ đã nhiều thế hệ chỉ biết có chiến tranh và tiếng súng. Thì lời ca TCS đã làm được cái việc nói lên được mơ ước của những thế hệ ấy. Những mơ ước vô cùng nhỏ bé như cánh hoa ngọn cỏ,vô cùng đơn giản hồn nhiên như tâm hồn trẻ thơ.

Chính TCS đã chọn giọng hát Khánh Ly vì nó hợp nhất với những bài ca của ông. Thông thường TCS nói là vì lúc ấy không có ai, nhưng theo lẽ tự nhiên, sự gặp gỡ tình cờ là một cuộc hẹn hò lớn đã được sắp đặt từ trước,“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô. Ta thấy em đang ngồi hát giữa rừng chiều đổ mưa“. Để lịch sử đã đặt vào họ cái sứ mệnh lớn, mà họ đã tự nguyện gánh trên vai và hoàn thành cái sứ mệnh đó một cách hoàn mỹ vô tiền khoán hậu. Bản thân người ca sỹ ấy cũng đã trải qua bao gian nan, ngăn cản rất to lớn của cuộc đời. Thông thường mà nói, việc gặp gỡ để trở nên đôi bạn thân đặc biệt này không có gì định trước là như vậy. Nhưng thực tế, tiền định đã đúng đắn. Cái may một phần triệu đã xảy ra, Và thời đại chúng ta được vinh dự chiêm ngưỡng, cảm nhận cái sứ mệnh lịch sử họ đã và đang làm.

Người ta đã chê giọng Khánh Ly „buồn, dài lê thê“, để đi tìm các loại giọng khác cho các bài hát của TCS. Nhưng hoài công, vì bài ca của TCS là những bài ca đi tìm cái vô cùng trong hai chiều hy vọng và tuyệt vọng, và vì bài ca TCS không thể khác là những tiếng nói bi ai của một thời đại chia ly. Thứ hai, là phương pháp tương phản, khi muốn biết niềm vui, thì hãy cố ca lên đi cho hết chiều của gian khổ và tuyệt vọng, thì mới có lẽ hiểu và thấm thía được giá trị niềm vui. Chính vì thế mà nhiều thanh niên trẻ hiện nay, nghe nhạc TCS nói là rất buồn nhưng vì sao họ vẫn rất thích.

Trong mười năm Khánh Ly đã đi hát với Trịnh Công Sơn (1965-1975). Một mặt, ông đã nói với cô rằng: đi hát là không có tiền; một mặt, người ca sỹ, vì hoàn cảnh, vì lý tưởng đã được chinh phục bằng chính tư cách con người của nhạc sỹ TCS, cho nên họ đã làm được một việc mà xưa nay, chưa ai làm được là đi hát rong về „những linh cảm“ của họ về „những giấc mơ đời hư ảo“. Chính vì công việc làm bất vụ lợi mà họ đã gắng sức, làm cho các bài ca và sự tồn tại của họ trở thành huyền thoại, làm cho công việc đi hát trở thành một tôn giáo. Nhất là vào một thời điểm bước ngoặc vĩ đại của dân tộc.

 

 

Muốn biết được tại sao Khánh Ly có được một giọng hát hay, truyền cảm, hãy nghe cô kể chuyện về cách luyện giọng của cô. „...khoảng thời gian đầu khi mà tập dượt với nhau rất là đáng nhớ vì anh Sơn không phải là người dễ tính, anh Sơn là một người rất là nghiêm chỉnh trong công việc và anh muốn cái người mà hát với anh cũng phải nghiêm chỉnh giống như vậy đối với nhạc phẩm của anh, cho nên em hoàn toàn tôn trọng tất cả những ý kiến của anh Trịnh Công Sơn. Đó là một thời gian rất là khó khăn khi em bị anh Sơn bắt em chuyển từ giọng óc qua giọng thật tức là giọng bụng của mình, em phải tập dượt mấy tháng trời và bị tắt tiếng một tháng không hát được..(*).“. Đối với một bài hát mới, cô đã thức trọn đêm để nhập tâm bài hát, mà vẫn thấy mình chưa thật nhập tâm vào bài hát. Khánh Ly đã có lần tâm sự: tôi biết đôi bài cũng có thể viết cho người này người khác, nhưng đa số các bài anh TCS viết là tôi nghĩ rằng anh viết cho tôi. Chính vì Khánh Ly đã hoá thân vào bài hát với một cách như thế, nên cô đã thể hiện thành công nhất các bài hát của TCS. Nói một cách khác, không ai hiểu và thể hiện ra được bằng lời ca các tâm hồn bao la và mẫn cảm các ca khúc của TCS như Khánh Ly.

Sau này, cũng có một vài người hát hay như Trịnh Vĩnh Trinh, Cẩm Vân,...Trờng hợp TVT thì do anh trai có viết riêng một vài bài cho Trinh nên cô ấy hát hay nhất là phải. Còn ngoài ra, muốn hát nhạc TCS hay, phải hoá thân và có đủ thời gian để hiểu sâu sắc lời ca, mới có thể hát hay được.

Ca khúc TCS hay, và có triết lý, tuy nhẹ nhành nhưng rất sâu xa, đến mức tuyệt hảo. Chúng ta mong rằng nước Việt ta tới đây sẽ có nhiều danh tài ca sỹ hát những bài hát TCS hoàn hảo, như bản thân ông muốn như thế. Tuy nhiên, cho đến nay, duy có Khánh Ly là người mệnh danh còn lại tiêu biểu cho một huyền thoại Trịnh Công Sơn. Gọi là huyền thoại bởi vì Trịnh Công Sơn đã mở màn cho một dấu ấn lớn về nhân văn và cho thời đại. Giá trị nhân văn của họ sẽ sống mãi cùng sử xanh.

 

Giọng hát điêu luyện bậc thầy có một không hai, ngoài bẩm sinh trời phú cho, là nhờ lao động không biết mệt mỏi mới thành đạt như vậy.

 

Mặt khác, trong thời gian chiến tranh đang tràn lan xứ sở, đã có một người ca sỹ không sợ bom đạn, không sợ cái chết, đã hát trên những xác người, hát trong từng vùng đạn bom, hát lên tiếng ca của người con gái Việt Nam da vàng. Sự dũng cảm đó đã làm cho giọng ca của cô thánh thiện đến mức không cần phải so sánh với ai. Đến nay, giọng ca đó đã được rèn trui trong lửa và thời gian nên lại càng xứng đáng được làm cầu tryền tải tâm hồn con người TCS, làm cho nhạc TCS được ướt đẫm đất này, và còn vang mãi nghìn thu. Sự dũng cảm tuyệt vời của Khánh ly, làm cho cô đứng lên trên mọi người.

(*) Phỏng vấn trên đài BBC

 

Bởi vì thông điệp cơ bản  những bài hát TCS là gia tài của mẹ và người con gái VN da vàng. Tuy có thể chia ra các mảng khác nhau như: thân phận con người trong thời loạn lạc, tình yêu của những bài ca không có hạnh phúc, nhưng chung quy chỉ quy về một, đều  là ca khúc da vàng. Nhiều người đặt tên là nhạc phản chiến, rồi người ta gọi Khánh Ly là hát phản động nhất. Bây giờ, các điều đó đã trở thành ấu trĩ, nực cười. Vậy hiểu được nhạc TCS, hát được nhạc TCS là phải dấn thân vào những điều vô cùng cao thượng.

 

Trong một tiêu chuẩn giọng hát hay, ngoài là giọng hát thật còn phải là hát rõ tiếng. Nói ra, rất đơn giản, nhưng vô cùng ít người hát hiện nay ở trong nước làm được điều đó. Mọi người còn chưa biết rõ giá trị“cao siêu“ như thế nào trong việc hát rõ tiếng, bởi vì chúng ta chưa liên hệ cách phát âm rõ tiếng và tính cách của tự tâm hồn tiếng Việt.

Ví dụ: từ „hoa“, âm chính của nó là oa, nó gợi cho chúng ta tiếng khóc của trẻ thơ, từ nhỏ, đến to. Rồi từ „hoa“ còn có đồng nghĩa với những từ như „họa“, „hòa“,“hóa“, „hỏa“. Nhưng tất cả các từ đều có nghĩa từ to đến nhỏ („mang họa vào thân“: mối nguy hiểm này đi từ ngoài vào). Cho nên từ “hoa” có nghĩa là nói đến một loài đang nở, đang thay đổi hình dạng từ bé đến lớn, từ mờ nhạt đến rực rỡ. Cho nên lỗi „vỡ lòng „ là hát hoa thành ho, hay hát hoa thành ha là lỗi phổ biến hiện nay trên đất nước là cái nôi của tiếng Việt.(hát ngọng trong nhiều trường hợp khác nhau). Cho nên, ngoài hát rõ, lại phải hiểu sâu sắc ca từ. Hát sao cho người nghe biết hoa đang chờ đợi, hoa đang yêu hay hoa đang úa tàn.

Hát rõ, không ngoài việc „ngân từng nguyên âm sao cho các nguyên âm có cùng một độ dài như nhau, và nối kết rõ ràng với các phụ âm, nhất là phụ âm ở cuối „. Từ „hoa“ chỉ có 2 nguyên âm, ví dụ như từ „huyền“ , hay „diệt“, các nguyên âm u, y, ê hay i,ệ, phải được ngân rõ và có độ dài như nhau.(Người mắc lỗi là ngân các nguyên âm dài ngắn khác nhau).

Cách ngân nga, ngân vang, luyến láy các nguyên âm, ngắt âm cuối câu, là linh hồn chính của cách truyền cảm tiếng Việt.

Khi tôi nghe bài „Dấu chân địa đàng“ do Khánh Ly hát, câu „...mắt đã mù...“, thì từ „mù“ đã làm tôi suy nghĩ và xúc động suốt mấy ngày. Vần „u“ là một khái niệm như „u minh“, lại là giọng bụng, nên nó được ngân từ đáy sâu của tâm hồn, nơi u tối, nơi u minh, lại vọng lên gặp vòm họng, nó dội lại như một câu chửi thề làm người nghe có được cái cảm giác đau đớn của sự mù lòa.

Chính cách hát rõ tiếng, bỏ dấu tài tình, ngắt chữ/âm chính xác, không những làm cho nhiều người nghe cảm mến, thán phục, mà còn có công tôn vinh tiếng Việt, làm cho tiếng Việt phong phú hơn, hùng hồn hơn. Giọng Bắc kỳ của KL, khi nghe chị nói tôi liên tưởng đến giọng nói Hà Đông. Cũng coi như là cái nôi của tiếng Việt vậy. Chính TCS đã có lần nói muốn sáng tác cho KL hát vì cô có cách bỏ dấu rất hay. Từ ngữ mà TCS dùng trong bài hát rất đắt, một câu ngắn cũng mang một hàm ý bao la. Vậy người hát cũng phải chăm chút từng ca từ và mối quan hệ của các ca từ với nhau, mới truyền tải được thông điệp tolớn ấy.

Điều vô cùng đơn giản được rút ra từ đây là người hát hay nhất, là người hát rõ nhất. Vô cùng đơn giản nhưng ít ai làm được. Đấy cũng là một việc tôn vinh tiếng mẹ đẻ của dân tộc Việt Nam.

 

Người xưa có nói“ Ý tại ngôn ngoại“. Cho nên hiểu được Khánh Ly và Trịnh Công Sơn chính là phải đọc được và hiểu được những gì „ở ngoài hơn hết các dòng chữ“. Chính vì cách sáng tác tài tình, làm cho mọi từ ngữ như sỏi đá cũng biến thành người, các khái niệm đơn giản trở thành to lớn hư vô,và cách thể hiện những từ ngữ ấy với một phong cách riêng độc đáo bởi chính ông đã hoá thân vào rừng từ ngữ và âm hưởng ấy, làm cho nhạc của TCS trở thành thiên thu. Có nghĩa là, các thế hệ hiện nay và mai sau sẽ còn đi tìm kiếm các thông điệp nhân bản ở trong đó như trong một kho tàn vô tận.

 

Hiểu và yêu mến giọng hát Khánh Ly chính là việc hiểu giá trị sự tồn tại của con người trong thiên nhiên trong các ca khúc của TCS. TCS đã nói: „Muốn hiểu được bài hát của tôi thì người nghe phải có một tâm hồn xúc cảm và một tri thức hiểu biết nhất định“. Mới đầu, người nghe yêu bài hát, trước nhất là ở âm nhạc, cách hòa âm, rồi sau đó là đến cách diễn tả. Từ ngữ trong bài hát là việc đến người nghe sau cùng. Và chính ở đây mới là nơi chứa vô tận các thông điệp mà ta cần phải biết. Bằng cách hát, Khánh Ly đã giúp cho ta hiểu và nhận biết các thông điệp ấy.

 

 

Cũng như một đứa con chung. Việc TCS sáng tác bài hát, giống như việc hấp thụ tinh thần cho đứa con phôi thai, và việc hát là việc mang nặng đẻ đau của người ca sỹ mang đứa con ấy đưa vào đời. Và người mang nặng ấy không ngoài ai khác là Khánh Ly.

Ở đây, chờ dịp khác chúng ta sẽ cùng bàn luận về từ ngữ mà TCS đã dùng trong các bài hát của ông. Cũng nhờ Khánh Ly là người hiểu rất rõ và sâu xa tâm hồn con người của TCS, nên cô là người duy nhất, đã mang tải được cái tâm linh ấy đi xa và âm vang lâu dài. Bởi vì cô đã từng trải qua cuộc sống cơ hàn cùng với ông, và là người luôn cố bắt cùng nhịp đập trái tim của ông, và sự gần gũi trong mười năm đi hát, nói theo TCS là thời hát „lãng mạn“ nhất, đã có đủ thời gian người nhạc sỹ bậc thầy hướng dẫn, chỉ bảo cô trở thành một người hát chân chính, coi như ca hát là một  tôn giáo của mình.

 

 

Điều vinh quang nhất là hai người đã tham gia vào một trường ca bất hủ của dân tộc Việt nam, trong khúc ngoặt lớn nhất của lịch sử này. Sự vinh quang ấy, làm cho mọi nghi ngờ cuối cùng về một giá trị tinh thần bất tử, được dành chỗ cho sự ngưỡng mộ, ưu ái. Lịch sử sẽ đem giá trị nhân bản của người viết nhạc và người hát rong này, đặt vào một vị trí và vai trò xứng đáng nhất trong lòng dân tộc.

 

PHS

 

Veröffentlicht in Âm nhạc

Um über die neuesten Artikel informiert zu werden, abonnieren:
Kommentiere diesen Post